0914.930.339

1. ĐẠI CƯƠNG

Vảy nến bệnh viêm da mạn tính và tái phát, khoảng 50% bệnh nhân chỉ có tổn thương vảy nến đơn độc ở da đầu và 80% bệnh nhân vảy nến có biểu hiện ở da đầu. Rụng tóc và các bất thường về tóc xảy ra ở bệnh nhân vảy nến được ghi nhận đầu tiên bởi Shuster năm 1972, tuy nhiên thuật ngữ rụng tóc vảy nến (“psoriatic alopecia”) chưa hoàn toàn được biết rõ. Rụng tóc có thể liên quan trực tiếp đến vảy nến, hoặc gián tiếp qua việc điều trị vảy nến.

Ở vùng da dầu, rụng tóc vảy nến hay gặp ở trên tổn thương da, tuy nhiên có thể rụng tóc telogen (telogen effluvium) lan tỏa. Đa số trường hợp tóc sẽ mọc lại tuy nhiên một số ít gây ra tình trạng rụng tóc sẹo. Hình ảnh mô bệnh học là các đặc điểm đặc trưng của vảy nến, kèm theo viêm quanh nang lông, teo và mất tuyến bã. Những thay đổi muộn có thể thấy như phá hủy nang tóc, xơ hóa quanh nang tóc, trục tóc trần (“naked”) nằm tự do ở trung bì.

Ngoài ra, tỉ lệ rụng tóc mảng cũng cao hơn ở bệnh nhân vảy nến so với dân số chung. Điều trị vảy nến cũng có thể góp phần gây ra rụng tóc.

2. LÂM SÀNG

Tác giả Shuster chia rụng tóc vảy nến thành ba loại theo thứ tự từ thường gặp đến hiếm gặp: (1) rụng tóc liên quan đến tổn thương da, (2) rụng tóc telogen efluvium lan tỏa gặp trên bệnh nhân đỏ da toàn thân hoặc vảy nến thể mủ và (3) rụng tóc sẹo.

2.1. Rụng tóc có liên quan đến tổn thương da

Shuster miêu tả đây là tình trạng tóc giảm mật độ, mỏng hơn, nang tóc teo nhiều hơn ở trên mảng vảy nến ở da đầu. Một nghiên cứu trên 47 bệnh nhân vảy nến da đầu và rụng tóc vảy nến, Runne và Kroneisen-Wiersma cho thấy tóc vùng da đầu có mảng vảy nến thường dễ bị nhổ và theo từng cụm.

Rụng tóc thường xảy ra sau trung bình 6 tuần kể từ khi có tổn thương vảy nến và tồn tại khoảng 6 tuần sau đó. Tác giả cho thấy 28% bệnh nhân xuất hiện rụng tóc sau các liệu pháp tại chỗ, phần lớn được cho là tác động kéo tóc làm rụng các sợi telogen. Đồng thời, số lương tóc rụng hằng ngày cũng tăng hơn ở 47% (7/15) bệnh nhân trong nghiên cứu của họ, với trung bình 480 sợi rụng mỗi ngày và lên đến rụng 1000 sợi ở ngày gội đầu.

Hình 1:  Bệnh nhân nam, 65 tuổi, rụng tóc vùng trán 1 năm nay và tiền sử khô da, vảy da đầu xuất hiện trong thời gian đầu. Bệnh nhân có tiền sử viêm da cơ địa và trong gia đình mắc người vảy nến. Khám lâm sàng phát hiện mảng rụng tóc ở da đầu vùng trán và thái dương sau khi điều trị vảy nến da đầu, đồng thời các tổn thương dạng vảy nến ở thân mình, tay chân. Bệnh nhân điều trị bằng betamethasone, acid salicylic vùng da đầu, tổn thương vảy cải thiện rõ và tình trạng rụng tóc cũng dừng lại (nguồn: N. Y. King et al).

Vùng da đầu có tổn thương vảy nến có tỉ lệ sợi telogen và catagen cao hơn so với da bình thường. Bệnh nhân vảy nến có tỉ lệ tóc loạn dưỡng nhiều hơn ở cả vùng da đầu có tổn thương và không có tổn thương. Đường kính sợi tóc ở vùng da đầu có tổn thương cũng nhỏ hơn so với vùng không có tổn thương.

Hình 2:  Dát đỏ bong vảy kèm theo giảm mật độ sợi tóc

2.2. Rụng tóc telogen effluvium lan tỏa

Trong vảy nến mức độ nặng nặng, như đỏ da toàn thân vảy nến hoặc vảy nến thể mủ toàn thân, tóc có thể rụng lan tỏa. Một trường hợp rụng tóc toàn thể được báo cáo ở bệnh nhân vảy nến thể mủ toàn thân ở da đầu, nhưng sau đó đã hồi phục hoàn toàn.

2.3. Rụng tóc sẹo

Vảy nến có thể gây ra rụng tóc sẹo thứ phát. Một báo cáo cho thấy 12% bệnh nhân có rụng tóc sẹo sau khi rụng tóc vảy nến, thường ở những tổn thương vảy nến dai dẳng và có liên quan đến nhiễm tụ cầu. Trong báo cáo của U Runne và cộng sự cho thấy có 5 trong số 47 bệnh nhân vảy nến rụng tóc sẹo, 4 bệnh nhân rụng khư trú và 1 bệnh nhân rụng lan tỏa.

Hình 3. Rụng tóc ở một bệnh nhân vảy nến 43 tuổi. Sau 5 năm: tổn thương vảy nến vẫn còn và vùng rụng tóc rộng hơn. Sau 4 năm nữa: tổn thương vảy nến cải thiện tuy nhiên vùng rụng tóc vẫn còn.

3. MÔ BỆNH HỌC

Đặc điểm mô bệnh học đặc trưng:

  • Đặc điểm của vảy nến ở quanh nang lông: quá sản dạng vảy nến, giảm lớp hạt, á sừng, vi áp xe Munro
  • Giảm kích thước và số lượng tuyến bã
  • Tăng tỉ lệ tóc catagen và telogen
  • Nang lông thu nhỏ, thưa hơn
  • Xâm nhập viêm lympho quanh nang lông
  • Trong những trường hợp rụng tóc sẹo, hoặc giai đoạn muộn:
  • Tế bào viêm mạn tính xâm nhập quanh nang lông.
  • Quá trình phá hủy nang tóc có thể để lại những sợi tóc trần (“naked hair shafft”) ở trung bì, từ đó có thể gây ra phản ứng u hạt. Teo và mất tuyến bã.
  • Xơ hóa nang lông

4. LIÊN QUAN GIỮA VẢY NẾN VÀ CÁC THỂ RỤNG TÓC

Vảy nến và rụng tóc thể mảng

Rụng tóc thể mảng hay gặp ở bệnh nhân vảy nến gấp 2.5 lần so với dân số nói chung. Rụng tóc thể mảng và vảy nến đều có liên quan đến các locus trên nhiễm sắc thể số 16 và 18.

Rụng tóc do điều trị vảy nến

Do thuốc tại chỗ, toàn thân

  • Một nghiên cứu trên 113 bệnh nhân điều trị bằng methotrexate, cho thấy 6% bệnh nhân xuất hiện rụng tóc. 10% bệnh nhân được điều trị bằng hydroxyurea cũng có rụng tóc lan tỏa. Ngược lại, rậm lông và lông đậm màu xuất hiện ở một số bệnh nhân vảy nến được điều trị bằng cyclosporin A.
  • Retinoids cũng là một nguyên nhân gây ra rụng tóc, 13-73% bệnh nhân vảy nến được điều trị bằng acitretin có rụng tóc, đặc biệt ở liều cao. Cơ chế được giải thích là do giảm thời gian anagen, bất thường quá trình anagen.
  • Nhiều báo cáo gần đây cho thấy tác dụng phụ về tóc xuất hiện ở các bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế TNF-alpha, đặc biệt là infliximab. Thể hay gặp là rụng tóc thể mảng và lichen phẳng nang lông.

5. ĐIỀU TRỊ

Điều trị bằng các phương pháp điều trị vảy nến, tóc có thể mọc lại hoàn toàn trong đa số các trường hợp.

6. KẾT LUẬN

Bệnh nhân vảy nến có thể xuất hiện rụng tóc có thể do tổn thương trực tiếp ở da dầu dẫn đến rụng tóc khu trú ở tổn thương, hoặc do rụng tóc telogen effluvium lan tỏa, hiếm gặp hơn là rụng tóc sẹo. Nhiều liệu pháp tại chỗ hoặc toàn thân có thể gây ra rụng tóc vảy nến. Cần phát hiện sớm các tình trạng rụng tóc tạm thời hay vĩnh viễn ở bệnh nhân vảy nến, điều trị sớm để hạn chế các trường hợp dai dẳng, không đảo ngược và rụng tóc sẹo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. M. C. George, M. R. Taylor and P. B. J. Farrant, (2015). Psoriatic alopecia. Clinical and Experimental Dermatology (2015) 40, pp717–721
  2. Y. King,D. Mesiano, I. Ahmed1 and R. A. Carr (2020). A common cause of hair loss?
  3. U Runne, P Kroneisen-Wiersma, (1992). Psoriatic alopecia: acute and chronic hair loss in 47 patients with scalp psoriasis. Dermatology 1992;185(2):82-7

Bài viết: BSNT Hồ Phương Thùy

PP CLINIC & SKINCARE – ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO DA LIỄU THẨM MỸ UY TÍN TOÀN QUỐC

    1. Địa chỉ công ty: 317  Trường Chinh- Thanh Xuân –  Hà Nội
    2. Email:sunstarsjc@gmail.com
    3. Hotline tư vấn : 0914 930 339

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *